Cai trị Lý_Thái_Tông

Năm 1049, vua Lý Thái Tông cho dựng chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột.

Xây dựng cung điện

Tháng 6 năm 1029, rồng hiện lên ở nền điện Càn Nguyên. Đế nói với tả hữu rằng: "Trẫm phá điện ấy, sang phẳng nền rồi mà rồng thần còn hiện. Có lẽ đó là đất tốt, đức lớn hưng thịnh, ở chỗ chính giữa trời đất chăng?". Bèn sai Hữu ty mở rộng quy mô, nhắm lại phương hướng mà làm lại, đổi tên là điện Thiên An. Bên tả dựng điện Tuyên Đức, bên hữu dựng điện Diên Phúc, thềm trước điện gọi là Long Trì. Phía đông thềm rồng đặt điện Văn Minh, phía tây đặt điện Quang Vũ, hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên. Bốn xung quanh thềm rồng đều có hành lang để tụ họp các quan và sáu quân túc vệ.

Phía trước làm điện Phụng Thiên, trên điện dựng lầu Chính Dương làm nơi trông coi tính toán giờ khắc, phía sau làm điện Trường Xuân, trên điện dựng gác Long Đồ làm nơi nghỉ ngơi du ngoạn. Bên ngoài đắp một lần thành bao quanh gọi là Long Thành. Năm 1030, Thái Tông lại sai làm điện Thiên Khánh ở trước điện Trường Xuân để làm chỗ nghe chính sự. Điện làm kiểu bát giác, trước sau đều bắc cầu Phượng Hoàng.

Ban sách Hình thư

Thái Tông Hoàng đế còn chủ trương sửa lại luật pháp, định các bậc hình phạt, các cách tra hỏi. Kẻ nào ban đêm vào nhà gian dâm vợ cả, vợ lẽ người ta, người chủ đánh chết ngay lúc bấy giờ thì không bị tội. Những người từ 70 tuổi trở lên, 80 tuổi trở xuống, từ 10 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và những người ốm yếu cho đến các thân thuộc Đế từ hạng Đại công trở lên phạm tội thì cho chuộc bằng tiền, nếu phạm tội thập ác thì không được theo lệ này.

Xuống chiếu về việc phú thuế của trăm họ, cho phép người thu, ngoài 10 phần phải nộp quan được lấy thêm một phần nữa, gọi là "hoành đầu". Lấy quá thì xử theo tội ăn trộm, trăm họ có người tố cáo được tha phú dịch cho cả nhà trong 3 năm, người ở kinh thành mà cáo giác thì thưởng cho bằng hiện vật thu được. Nếu quản giáp, chủ đô và người thu thuế thông đồng nhau thu quá lệ, tuy xảy ra đã lâu, nhưng có người tố cáo thì quản giáp, chủ đô và người thu thuế cũng phải tội như nhau.

Năm 1042, Thái Tông Hoàng đế ban Hình thư. Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Đế lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng, cho nên mới đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo. Bộ Luật Hình thư năm 1042 được xem là bộ luật đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Năm 1043, tháng 8, xuống chiếu rằng kẻ nào đem bán hoàng nam trong dân gian làm gia nô cho người ta, đã bán rồi thì đánh 100 trượng, thích vào mặt 20 chữ, chưa bán mà đã làm việc cho người thì cũng đáng trượng như thế, thích vào mặt 10 chữ; người nào biết chuyện mà cũng mua thì xử giảm một bậc. Xuống chiếu rằng quân sĩ bỏ trốn quá 1 năm xử 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ, chưa đến 1 năm thì xử theo mức tội nhẹ, kẻ nào quay lại thì cho về chỗ cũ. Quân sĩ không theo xa giá cũng xử trượng như thế và thích vào mặt 10 chữ.

Chăm lo quốc lực

Thái Tông Hoàng đế tuy phải đánh dẹp liên miên, nhưng cũng không bỏ bê việc chính trị trong nước. Đặc biệt, ông tỏ ra là vị hoàng đế có lòng thương dân. Hễ năm nào đói kém hoặc đi đánh giặc về, lại giảm thuế cho dân trong hai ba năm.

Tháng 2 năm 1038, Thái Tông Hoàng đế thân hành ra cửa Bồ Hải để tiến hành lễ cày ruộng Tịch điền. Ông tế Thần Nông, tế xong tự mình cầm cày xuống ruộng. Các quan can rằng:"Đó là việc của nông phu, bệ hạ việc gì phải làm thế?". Thái Tông đáp rằng: "Trẫm không tự cày cấy thì lấy gì mà có xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?" Nói xong Đế đẩy cày ba lần mới thôi.

Năm 1040, Thái Tông Hoàng đế ra lệnh lấy hết gấm vóc hàng nước Tống trong cung ra may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào vóc. Thái Tông phát hết gấm vóc và dạy cho cung nữ dệt được gấm vóc. Từ đó trong cung chuyên dùng hàng tự dệt, không dùng hàng của nước Tống nữa.

Xây dựng chùa Diên Hựu

Bài chi tiết: Chùa Một Cột

Năm 1049, tháng 10, Thái Tông Hoàng đế khởi đầu cho việc xây dựng chùa Diên Hựu.

Tương truyền, Hoàng đế nằm mơ thấy Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt ông lên tòa. Sau đó, Đế kể lại chuyện đó với bầy tôi; và cho dựng cột đá, làm tòa sen đặt lên như đã thấy trong mộng, theo lời khuyên của nhà sư Thiền Tuệ. Cột tòa sen đó trở thành ngôi chùa, khi đó có tên là chùa Diên Hựu (延祐寺), với nghĩa là "phúc lành dài lâu" hay "phước bền dài lâu".

Hằng năm cứ đến ngày 8 tháng 4 âm lịch, Thái Tông Hoàng đế lại tới chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân khắp kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, Đế đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội lớn.